Ngày 08/02/2023, Hội LHPN quận tổ chức gặp gỡ, giao lưu với cô Đào Thị Huyền Nga - nhân chứng lịch sử của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân.
Tham dự có đồng chí Bùi Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận, cán bộ, hội viên phụ nữ và nữ thanh trên địa bàn.
Cô Đào Thị Huyền Nga (sinh năm 1947, bí danh là Lê Hồng Quân), sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng. Vốn có khả năng bơi lội trên sông nước rất thuần thục và luôn dũng cảm, mưu trí nên 8 tuổi, cô được tổ chức Đảng phân công nhiệm vụ giao liên, đưa thư mật, lấy tin tức từ các đồn bót ở khu vực 6 xã ven sông Hậu. Năm 15 tuổi, cô vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 với chức vụ Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn nữ Biệt động Lê Thị Riêng của Sài Gòn Gia Định, cô trực tiếp cầm súng chiến đấu và bị thương. Để không vướng víu, cô đã dũng cảm tự cắt đứt cánh tay trái bị thương để tiếp tục chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và cô bị địch bắt, đày ra Côn Đảo.
Cán bộ, hội viên, nữ thanh tặng quà cô Đào Thị Huyền Nga. (Ảnh: P. An |
Đến nay cô tròn 60 năm tuổi Đảng. Cô luôn đặt sự nghiệp giải phóng của đất nước lên trên hết nên cô hy sinh những niềm hạnh phúc cá nhân. Bản thân cô còn là nạn nhân của chất độc da cam, cô đã trải qua 23 lần phẫu thuật nhưng vẫn còn những mảnh đạn ghim vào trong da thịt mình. Do sức khỏe yếu từ những trận đòn tra tấn, cô được về hưu sớm vào năm 1993 để chăm sóc mẹ già là Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Xuân (cán bộ phụ vận) cũng từng trải qua những ngày tháng tù khắc nghiệt tại nhà tù Côn Đảo.
Dịp này, cô Huyền Nga không quên nhắn nhủ cán bộ, hội viên, nữ thanh: Thế hệ đi trước đã hy sinh mất mát rất nhiều để có được hòa bình cho đất nước. Thế hệ trẻ hôm nay có rất nhiều điều kiện để học tập, hãy ra sức cống hiến nhiều hơn nữa để gìn giữ, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.
Đây là hoạt động ý nghĩa, tri ân các gia đình liệt sĩ, những nữ cựu quân nhân, nữ tù chính trị, các chiến sĩ đã tham gia trận đánh và hy sinh trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân. Đồng thời qua đó, giáo dục truyền thống cách mạng, khích lệ thanh niên, nữ thanh sống có lý tưởng, tích cực tham gia xây dựng đất nước, thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình.
LIÊM NGUYỄN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã quan tâm